Tập bé ngủ riêng – Yếu tố quan trọng đầu tiên giúp bé tự lập toàn diện về sau
Tại sao tập bé ngủ riêng lại là yếu tố quan trọng giúp bé tự lập về sau?
Bạn có tin rằng Bé Tí Hon nhà mình có thể tự lập được một cách tuyệt vời như thế này không?
- Bé có thể tự ngủ mà không cần bú mẹ, không cần bồng ẵm, bế ru…
- Bé có thể ngủ liền một mạch 12 tiếng suốt đêm khi bạn tập bé ngủ riêng từ bé xíu
- Bé ăn đủ một bữa ăn ra hồn 4 tiếng/lần chứ không phải ăn mỗi lần một chút
- Bé có thể ngồi một chỗ tự múc ăn ngon lành, chộp đồ ăn một cách háo hức lúc mới 15 tháng
- Bé tự biết cách bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm
- Bé có thể chơi tự lập chứ không đeo bám ba mẹ suốt ngày
- Bé tự biết mặc quần áo, mang giày, đi vệ sinh
- Bé biết tự đứng dậy đi tiếp khi té ngã mà không nằm ăn vạ
- Bé biết giúp đỡ việc nhà dù mới 2 tuổi nhé…
Bạn sẽ nghĩ chắc khó mà thực hiện, nhưng tin vui là sẽ dễ áp dụng vì mình chỉ chọn lọc các phương pháp khả thi phù hợp với môi trường Việt Nam do các bà mẹ thông thái ở Việt Nam đã thực sự ứng dụng cho chính con yêu của mình. Bạn sẽ lần lượt khám phá các bí quyết để giúp bé trở nên tuyệt vời như các gạch đầu dòng hấp dẫn ở trên qua những bài mình chia sẻ tiếp theo tại trang Blog “Trò chuyện về Sự nghiệp và Gia đình – 2 mối quan tâm lớn nhất của Ba Mẹ”.
Đầu tiên, trước khi muốn bé tự lập được đủ thứ, hãy bắt đầu bằng việc Tập bé ngủ riêng, nếu có thể thì chuẩn bị ngay từ ngày đầu tiên đưa bé ở Bệnh viện Phụ sản trở về nhà là lý tưởng nhất, còn không thì muộn một chút nhưng muộn vẫn hơn không. Tập bé ngủ riêng - nhất là đối với bé nhỏ là rào cản khó vượt qua nhất trong chặn đường giúp bé tự lập của Ba Mẹ, nhưng đã vượt qua rồi thì mọi chuyện tiếp theo thật dễ dàng.
Mình phát hiện ra một “chân lý” là các mẹ Việt Nam mình không mấy quan tâm lắm đến giấc ngủ của bé mà thường sợ bé đói nhiều hơn, nên suốt ngày bận rộn chuẩn bị đồ ăn, bận rộn cho bé ăn là chính. Tuy nhiên, khoa học chứng minh ngược lại và chúng ta có thể hiểu rằng nên coi trọng giấc ngủ của bé hơn là ăn vì những khám phá sau đây:
- Không bao giờ để mình bị đói là bản năng sinh tồn của bé từ trong bụng mẹ tới lúc sinh ra nên bạn yên tâm: Đói bé sẽ tự đòi ăn, nếu khi ngủ mà đói bé sẽ dậy đòi ăn ngay – Đó là khả năng “tự lập” đầu tiên không cần rèn tập. Nghiên cứu cho thấy bé không bao giờ để mình bị đói quá 25 phút. Chu kỳ ngủ của bé là 45 phút - bao gồm 25 phút ngủ sâu và 20 phút ngủ nông (giấc ngủ REM).
- Khi bé ngủ luôn cần “môi trường ngủ” của riêng bé do chính Ba Mẹ và mọi người xung quanh tạo ra khi bé chào đời. Trong bụng mẹ, bé ngủ lúc nào cũng được, nhưng ra đời trong môi trường mới bé buộc phải học cách tự trấn an để có thể ngủ, và Ba Mẹ trợ giúp bé rất nhiều (bú, bế, ru…). Sau này, muốn ngủ bé đòi hỏi phải có những điều kiện của “môi trường ngủ” đó mới ngủ được. Vì vậy, tập bé ngủ riêng ngay những ngày đầu đời thật sự là yếu tố quan trọng giúp bé học cách tự chủ và quen với “môi trường ngủ” tốt nhất.
- Bé sơ sinh ngủ trung bình 18 tiếng/ngày và chỉ thức 45 phút sau mỗi chu kỳ ngủ 3 giờ - Trong đó có 30 phút bú, 15 phút vệ sinh và vận động. Khi được 4 tháng, bé vẫn ngủ 16-17 tiếng/ngày - Trong đó ban ngày bé thức được khoản 1,5 tiếng cho mỗi chu kỳ 4 giờ, còn ban đêm bé ngủ liền một giấc dài 6-8 tiếng. Khi 1 tuổi, giấc ngủ bé giảm xuống còn 14 tiếng, 2 tuổi còn 12-13 tiếng nhưng không được ít hơn 11 tiếng/ngày.
- Ngủ cực kỳ quan trọng vì não bé phát triển tốt nhất khi ngủ. Các tế bào thần kinh được nhân bản khi ngủ và các kỹ năng cơ bản (lật, bò, ngồi, đứng) được phát triển trong giấc ngủ REM được nói ở mục 1. Ngủ tiêu tốn ít năng lượng hơn nên mọi thức ăn bé ăn đều phục vụ cho việc tạo dựng tế bào chứ không bị đốt cháy cho các hoạt động tay chân. Đó là lý do bé nhỏ ăn ít, ngủ nhiều mà vẫn tăng cân và chiều cao.
Những lý do trên đủ cho chúng ta thấy việc Ba Mẹ quan tâm đến sự ngủ của bé là cần hơn cả sự ăn của bé phải không nào? Và quan trọng hàng đầu là phải tập bé ngủ riêng để tạo môi trường ngủ tốt nhất chuẩn bị cho bé lớn lên và tự lập.
Vậy làm thế nào để tập bé ngủ riêng? Mời bạn xem phần tiếp theo tạo Blog “Trò chuyện về Sự nghiệp và Gia đình – 2 mối quan tâm lớn nhất của Ba Mẹ” nhé. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết sau.
Trần Thiên Anh Thảo
thao.tranthienanh@gmail.com