Đồng hành cùng "Người bạn trong mơ": Giải đáp những thắc mắc bên lề cuộc thi

Cô Trần Kim Huê, Hiệu trưởng trường Mầm non Tư thục Vườn Tuổi Thơ, thành viên Ban Giám Khảo của cuộc thi

PV: Xin chào cô Kim Huê, xin cô hãy cho biết, trên quan điểm cá nhân thì cô đánh giá như thế nào về cuộc thi lần này?

Nhìn chung thì cuộc thi này khá mới mẻ và lý thú. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung và thành phố Cao Lãnh nói riêng, các hoạt động phát triển năng khiếu dành cho thiếu nhi cũng được các đơn vị giáo dục quan tâm và chú ý. Nhưng theo nhìn nhận của tôi thì các hoạt động này chưa thật sự chú trọng đến suy nghĩ, tâm lý của trẻ. Trong khi đó, cuộc thi “Người bạn trong mơ” lại lấy ý tưởng của các bé làm trọng tâm khi hiện thực hóa những giấc mơ, những mong mỏi của bé, biến chúng trở thành những vật dụng có thể sờ tận tay, nhìn tận mặt. Đây có thể nói là một món quà rất có ý nghĩa và khó quên dành cho bé và cả các vị phụ huynh. Đồng thời, cách thức tổ chức tôi thấy cũng rất thích hợp, các bé được áp dụng nguyên tắc 3 chung: chung đề, chung thời gian, chung địa điểm. Như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan cho cuộc thi.

Tuy nhiên, giải thưởng có giá trị cao nhưng số lượng lại hạn chế, trong khi đó, theo tôi được biết, có gần 150 em đăng ký tham gia. Điều này có thể gọi là một cơ hội cho chúng tôi cũng như nhà tài trợ trong việc sàng lọc, chọn lựa ra những sản phẩm độc đáo và ưng ý. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc có nhiều thí sinh tham gia cũng sẽ gây không ít khó khăn cho Ban Giám Khảo trong việc xác định người chiến thắng của cuộc thi năm nay.

PV:  Vấn đề vừa rồi cũng chính là điều mà các vị phụ huynh đang rất quan tâm. Giải thưởng chỉ có 10 giải mà lại gần 150 bé tham gia, tỷ lệ chọi có thể nói không thua một kỳ thi đại học. Vậy thì với tư cách là một thành viên Ban Giám Khảo, cô có phương án nào để việc đánh giá và trao giải được khách quan và công bằng không, thưa cô?

Đúng là giải thưởng ít với số lượng đăng ký đông đảo như hiện tại thì quả thực hơi khó để chọn lựa nhưng không phải khó đến mức không thể chọn lựa được. Mặt khác, dù cho số lượng có đông nhưng chất lượng các bài thi không đạt được như kỳ vọng thì Ban Giám khảo cũng có thể không trao giải theo thứ tự nhất, nhì, ba như kế hoạch đã đề ra. Nói chung là phụ thuộc vào khả năng của các em. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan và công bằng, Ban Tổ chức cũng như Ban Giám khảo đã kịp thời xây dựng một ba-rem điểm để việc đánh giá không bị sai lệch. Cụ thể:

+ Ý tưởng sáng tạo: 4 điểm

+ Bố cục: 2 điểm

+ Màu sắc: 2 điểm

+ Nội dung giới thiệu có ý nghĩa và phù hợp với tác phẩm: 2 điểm

Bộ tiêu chí này chúng tôi đã đưa vào kế hoạch tổ chức cuộc thi và gửi về cho 44 đơn vị trường trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, nhờ phổ biến lại cho các phụ huynh học sinh. Đồng thời, bộ phận truyền thông của chúng tôi cũng đã thông báo rộng rãi về cách thức chấm điểm này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với những người làm giáo dục như chúng tôi, các cháu đều như con cháu trong nhà, chúng tôi đều yêu mến như nhau, đều không muốn cháu nào phải buồn cả. Nhưng đã là cuộc thi thì phải có người giỏi, người khá, tất sẽ có người này trội hơn người kia. Cho nên chúng tôi nghĩ, mình sẽ phải thật công tâm khi đưa ra các quyết định.

 PV: Được biết, cô cũng là Hiệu trưởng đương nhiệm của trường Mầm non Tư thục Vườn Tuổi Thơ, đơn vị tham gia đông đảo nhất so với các điểm trường còn lại. Và cô có nhận xét gì nếu có luồng dư luận cho rằng mình sẽ thiên vị cho đội nhà trên tư cách là một thành viên của Ban Giám khảo?

Thật ra, với công việc của một Hiệu trưởng thì tôi đi sâu vào công tác quản lý, giám sát điều hành hơn là chú trọng phát triển các hoạt động chuyên môn. Việc giảng dạy cho các bé đều do các cô giáo tại trường đảm trách nên những người kỳ vọng nhiều thì có lẽ là ở các cô chứ không phải tôi. Đây cũng là điều hiển nhiên, vì tiếp xúc với các bé lâu ngày, mến tay mến chân tất sẽ phát sinh tình cảm, thương yêu các bé nhiều hơn và ủng hộ cho các bé nhiều hơn so với các bé đến từ các trường khác. Còn với riêng bản thân tôi thì tôi nghĩ mình có đủ uy tín và trách nhiệm để đưa ra những kết quả khách quan nhất và chính xác nhất.

Mặt khác, kết quả đánh giá phụ thuộc vào kết quả chung của tất cả các thành viên trong Ban Giám khảo. Bên cạnh đó Ban Tổ chức còn để riêng 02 giải thưởng cho khán giả chấm điểm (bằng hình thức “like” và “share” trên fanpage của cuộc thi). Vì thế phụ huynh, thầy cô hãy an tâm và tin tưởng vào kết quả cuối cùng của cuộc thi.

Có tổng cộng 130 bé đến từ 18 đơn vị trường trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và các huyện thị lân cận

PV: Cô suy nghĩ như thế nào trong trường hợp Vườn Tuổi Thơ có giải và không có giải?

Theo tôi được biết, Vườn Tuổi Thơ là đơn vị tham gia đông đảo nhất tính cho đến thời điểm hiện tại nhưng tất cả đều nằm trong nhóm I, hoàn toàn không có thí sinh nằm trong nhóm II.  Các bé ở Vườn Tuổi Thơ đều chỉ mới 4 – 5 tuổi, cũng chỉ mới học những bước rất cơ bản nên tôi nghĩ nếu có bé ở trường đoạt giải thì bé đó phải có năng khiếu  thực sự. Và đó sẽ là niềm vinh dự của tập thể giáo viên Vườn Tuổi Thơ khi đã ươm mầm thành công những tài năng nhí.

Còn nếu không đoạt giải thì thiết nghĩ các cô giáo của trường, là những kỳ vọng nhiều vào các bé cũng sẽ không lấy đó làm buồn phiền vì các cô đều hiểu đây là cơ hội để cho các bé được cọ sát, học hỏi. Riêng với các cháu, mỗi cháu tham dự cuộc thi đều được nhà tài trợ tặng cho một phần quà rất dễ thương, vì vậy bản thân tôi nghĩ sẽ không có cháu nào của Vườn Tuổi Thơ phải  buồn khi tác phẩm của mình không đoạt được giải.

PV:  Vậy cô đánh giá chất lượng thí sinh của các thí sinh đến từ  Vườn Tuổi Thơ năm nay như thế nào và khả năng giành được giải thưởng của các cháu so với các bạn trong cùng nhóm tuổi?  

Như tôi đã nói, chất lượng thí sinh của các cháu Vườn Tuổi Thơ cũng còn khá mỏng. Các cháu đều mới 4 – 5 tuổi trong khi chúng tôi chỉ mới gầy dựng được một lớp học vẽ cho các cháu gần đây thôi, nhưng lớp này vẫn còn phôi thai lắm! Những kỹ năng cơ bản cũng chưa thật vững vàng, các cháu thì đang tuổi ăn tuổi chơi nên theo đến đâu thì chúng tôi mừng đến đó, nó phụ thuộc hoàn toàn vào đam mê và nhận thức của các cháu. Qua vài lần quan sát, bản thân tôi cũng nhận thấy chỉ một số ít cháu là có năng khiếu thật sự. Tôi cũng chưa có số liệu cụ thể về cái lứa 4 – 5 tuổi của các trường mầm non khác là như thế nào nên cũng không dám chắc về khả năng giành được giải thưởng của các cháu.

PV: Còn chất lượng của các thí sinh còn lại thì cô có nhận xét như thế nào, thưa cô?

Tôi nghĩ với các bạn thuộc nhóm II thì đều là học sinh tiểu học, được giảng dạy bài bản về Mỹ thuật, có tiết học cụ thể và có giáo viên chuyên môn hướng dẫn rõ ràng. Vì vậy, các cháu tất nhiên sẽ có kỹ năng tốt hơn so với các bé nhóm I. Vì thế, việc lựa chọn những tác phẩm theo yêu cầu của chúng tôi cũng sẽ dễ dàng hơn.

PV: Xin được cảm ơn cô về cuộc trò chuyện vừa rồi.

Theo chị Trần Thị Trúc Linh, thành viên Ban Tổ chức kiêm thành viên Ban Giám khảo cho biết, ngay sau khi kết thúc buổi thi, Ban Giám Khảo dưới sự quan sát của Ban Tổ chức đã cùng ngồi lại để đánh giá, nhận xét về các tác phẩm. Chốt lại, có tổng cộng 2 giải nhất, 4 giải nhì và 4 giải ba chia đều cho 2 nhóm tuổi. Thương hiệu Góc Xanh, đơn vị tài trợ độc quyền cho cuộc thi đã nhận bản sao các tác phẩm đoạt giải để làm mẫu, thiết kế sản phẩm thật để làm giải thưởng gửi tặng cho các bé trong buổi lễ tổng kết trao giải vào Thứ 7, ngày 09/01/2015 tới đây.

Công ty TNHH SX TM DV Góc Xanh, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm nệm thú bông, ghế lười và nội thất gỗ phòng ngủ cao cấp hân hạnh tài trợ chương trình này.

Theo Chí Cường (T-info)